Hôm 2/11,àngloạtngânhàngtrungươngtạmnghỉsauthờikỳtănglãvietjack 10 Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất 15 năm. Một ngày trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng quyết định không nâng lãi suất sau phiên họp chính sách.
Mối quan tâm của các thị trường tài chính hiện đã chuyển sang việc khi nào các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi. Tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế đã chậm lại và lạm phát cũng hạ nhiệt.
Theo thống kê của Reuters, trong chu kỳ nâng lãi bắt đầu từ tháng 9/2021, 9 nước phát triển đã nâng lãi thêm tổng cộng gần 4.000 điểm cơ bản (40%). Nhật Bản là cái tên duy nhất nằm ngoài xu hướng này, khi vẫn duy trì lãi suất -0,1%.
Dưới đây là diễn biến lãi suất tại 10 nền kinh tế có tiền tệ được giao dịch nhiều nhất thế giới, theo Tập đoàn Tài chính LSEG (Anh).
Mỹ
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 1/11 thông báo giữ lãi suất ở mức 5,25-5,5%. Đây là lần thứ hai họ giữ nguyên, sau 11 lần tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022.
Quan chức Fed cho biết cần thêm thời gian để đánh giá thị trường tài chính đã đủ thắt chặt để kiểm soát lạm phát hay chưa. Kinh tế Mỹ gần đây vẫn tăng trưởng ấn tượng, với 4,9% trong quý III.
New Zealand
Ngân hàng Trung ương New Zealand là một trong những cơ quan đầu tiên tham gia làn sóng nâng lãi năm 2021. Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại đây đã lên cao nhất 15 năm, tại 5,5% từ tháng 5.
Tuy nhiên, chiến dịch thắt chặt tại nước này được dự báo sắp đến hồi kết, khi kinh tế New Zealand có nhiều dấu hiệu chậm lại. Các thị trường hiện cho rằng khả năng nâng lãi trong cuộc họp cuối tháng này chỉ là 10%.
Anh
Ngân hàng Trung ương Anh hôm 2/11 thông báo giữ nguyên lãi suất ở đỉnh 15 năm. Tuy nhiên, cơ quan này nhấn mạnh rủi ro lạm phát vẫn còn.
Kinh tế Anh được dự báo không tăng trưởng trong năm 2024. Thị trường hiện cho rằng khả năng cao là BoE hạ lãi suất từ tháng 8/2024.
Canada
Sau phiên họp chính sách ngày 25/10, Ngân hàng Trung ương Canada thông báo giữ nguyên lãi suất tham chiếu tại 5%. Thị trường hiện dự báo lãi suất này sẽ còn được duy trì thêm một thời gian nữa. Thống đốc Tiff Macklem thì khẳng định cơ quan này vẫn sẵn sàng nâng lãi thêm nếu lạm phát cao kéo dài.
Eurozone
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo giữ nguyên lãi suất tham chiếu tại 4%. Họ cho biết số liệu mới nhất chỉ ra lạm phát đang chậm lại, dần quay về mục tiêu 2%.
Với việc lạm phát hạ nhiệt và các dấu hiệu kinh tế chậm lại ngày càng rõ rệt, nhà đầu tư hiện đặt cược ECB chuẩn bị giảm lãi. Đầu năm sau, ECB được kỳ vọng giảm lãi thêm 25 điểm cơ bản.
Na Uy
Ngân hàng Trung ương Na Uy hôm qua cũng giữ nguyên lãi suất tại 4,25% và khẳng định vẫn có thể nâng lãi thêm trong cuộc họp tháng 12. Lạm phát tại Na Uy hạ nhiệt nhanh hơn dự báo trong tháng 9. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương cho biết cần thêm bằng chứng cho thấy sức ép giá đang giảm sút.
Thụy Điển
Thụy Điển hồi tháng 9 nâng lãi suất tham chiếu lên 4%. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với lựa chọn khó khăn sắp tới.
Khảo sát của Reutersvới các nhà kinh tế học cho thấy kinh tế Thụy Điển được dự báo co lại 0,7% trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản của nước này (đã trừ giá năng lượng) lại vẫn ở mức cao, với 6,9% trong tháng 9.
Australia
Khả năng Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) nâng lãi đang ngày càng lớn khi hôm 1/11, số liệu cho thấy giá nhà tại đây lên gần mức kỷ lục. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng khuyến nghị nước này thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ để ghìm lạm phát.
Thị trường hiện dự báo khả năng RBA nâng lãi lên 4,35% trong cuộc họp tháng này là gần 70%.
Thụy Sĩ
Franc Thụy Sĩ đã lên cao nhất 8 năm so với euro sau tin tức về xung đột tại Gaza. Đồng tiền này là công cụ trú ẩn được ưa chuộng trong thời kỳ biến động. Hiện tại, thị trường dự báo Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) giữ nguyên lãi suất 1,75% trong phiên họp chính sách tháng 12.
Đồng franc mạnh giúp SNB kiểm soát lạm phát tốt, với chỉ 1,7% trong tháng 10. Tuy nhiên, nó cũng ghìm xuất khẩu của nước này trong bối cảnh kinh tế chậm lại.
Nhật Bản
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 31/10 giữ nguyên lãi suất -0,1%. Họ chỉ nới lỏng kiểm soát với trần lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm. Động thái này khiến nhà đầu tư thất vọng và yen tiếp tục mất giá so với USD, euro.
BOJ cũng nâng dự báo lạm phát tại Nhật Bản. Số liệu này đã duy trì trên mục tiêu 2% hơn một năm qua.
Hà Thu(theo Reuters)